Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

In rainy or cold weather, the mood for poetry is in the air. This excerpted article is about the Japanese poetic genre, haiku. Three foremost Japanese haiku poets are considered to be Matsuo Basho (1644-1694), Yosa Buson (1716-1784), and Kobayashi Issa (1763-1827). Hope you can find the time to read (or even write) a haiku sometime this winter, while nature is splendidly glorious in her own very way. It is a gift for us all to enjoy and cherish. In turn, let us help keep the Earth clean for eons to come.

ĐỌC THƠ HAIKU NHẬT BẢN QUA LỐI VIẾT ROMAJI
Đàm Trung Pháp
Nguồn: Viện Việt-Học

Mỗi bài thơ "haiku" (phát âm lối Hán Việt là "bài cú") của người Nhật Bản là một tiểu vũ trụ thu gọn trong vẻn vẹn 17 âm tiết. Trong cái hạn hẹp tối đa ấy, nhà thơ diễn tả cảm nghĩ của mình trước thiên nhiên và cho người đọc thoáng thấy một hình ảnh vĩnh cửu phát hiện qua một cảnh trí thông thường chóng phai mờ.

Về điểm này thì hình như mỗi nhà thơ lớn, ở phương trời nào cũng vậy, đều có đôi chút “tâm hồn haiku” – như khi William Blake đã thấy cả vũ trụ trong một hạt cát, cả thiên đường trong một đóa hoa dại (“to see a world in a grain of sand, a heaven in a wild flower”) hoặc như khi Đinh Hùng mới chỉ nhìn vào đôi mắt lưu ly của Kỳ Nữ mà đã “thấy cả bóng một vầng đông thuở trước, cả con đường sao mọc lúc ta đi”!

Tổng số 17 âm tiết của một bài haiku được thu xếp thành 3 dòng thơ, thông thường với 5 âm tiết cho dòng thứ nhất, 7 âm tiết cho dòng thứ hai, và 5 âm tiết cho dòng thứ ba. Ba dòng thơ ấy không bắt buộc phải vần với nhau và cũng không cần những dấu chấm câu.

Thi bá Matsuo Basho thuộc thế kỷ XVII là người đã nâng thơ haiku lên hàng nghệ thuật siêu đẳng, và cũng từ đó haiku trở nên thể thơ thông dụng nhất trong văn chương Nhật Bản. Nghệ thuật siêu đẳng này gắt gao đòi hỏi nhà thơ phải diễn tả rất nhiều, gợi ý tối đa trong một hình thức vắn tắt, cô đọng nhất. Mỗi bài haiku phải gây nên một ấn tượng trọn vẹn bằng cách đặt vào bên cạnh yếu tố thiên nhiên một câu gợi ý về một mùa trong năm hoặc một cảm xúc mạnh.

Bài thơ dưới đây của Basho dùng hai yếu tố thiên nhiên (con đường vắng vẻ, lúc xẩm tối mùa thu) để làm bối cảnh cho một cảm xúc mạnh (sự hiu quạnh tột cùng):


kono michi ya
yuku hito nashi ni
aki no kure

con đường ấy
không người qua lại
trời xẩm tối mùa thu

Vì nhiều chữ Nhật Bản ở dạng đa âm tiết (thí dụ như danh từ shizukesa có nghĩa là sự thanh tịnh gồm 4 âm tiết), khi bị ghép vào mô thức haiku tiết chế, nhiều khi chỉ một hai chữ thôi đã chiếm hết cả dòng thơ rồi. Cho nên cả bài haiku chỉ là vài ba nét chấm phá để gợi cảnh, gợi tình, hoàn toàn "ý tại ngôn ngoại."

Ba thi nhân haiku hàng đầu trong văn học Nhật Bản là Matsuo Basho (1644-1694), Yosa Buson (1716-1784), và Kobayashi Issa (1763-1827). Basho lẫy lừng nhất, thường được ví như một William Wordsworth, vì ông cũng đã suốt đời đi tìm sự cảm thông với thiên nhiên. Thơ Basho phảng phất cốt cách tiên của Lý Bạch và nhuộm màu ly tao của Đỗ Phủ. Buson còn là một nhà danh họa; thơ ông rất đẹp nét, trữ tình, và nhậy cảm. Issa mồ côi mẹ từ thuở ấu thơ và bị mẹ ghẻ hắt hủi; từ năm 14 tuổi đã tự lập và nghiên cứu haiku. Thơ Issa bình dị và thường nhắc đến các sinh vật nho nhỏ như chim sẻ, dế, bươm bướm với nhiều thân thương trìu mến.

Haiku là thơ vịnh thiên nhiên qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Chúng ta hãy xem ba thi nhân nêu trên chấm phá cảnh trí thiên nhiên như thế nào qua các bài haiku lừng danh của họ, được trích dẫn bằng romaji là lối viết tiếng Nhật rất dễ phát âm, dành cho những người quen với mẫu tự la-tinh, gồm cả người Việt chúng ta.

Ưu điểm của romaji là nó cho người đọc thấy rõ được các từ ngữ tượng thanh cũng như sự hòa hợp các âm tương tự trong các dòng thơ. Trong bài viết này, các dòng chuyển sang tiếng Việt cố gắng giữ nội dung nguyên tác, mặc dù đôi khi phải thay đổi thứ tự ý nghĩa các câu để nghe cho thuận tai người Việt, và hoàn toàn không theo mô thức tiết chế của haiku.

Vì sự ngắn gọn tối đa, thi nhân haiku không thể sử dụng cú pháp cầu kỳ – một lợi điểm cho người chưa thạo tiếng Nhật nhưng lại thích đọc thơ haiku như bản thân tôi. Quả thực, chỉ cần một kiến thức căn bản về cú pháp Nhật ngữ và một cuốn tự điển Nhật dùng lối viết romaji dễ tra cứu mục từ sắp xếp theo thứ tự a, b, c (thí dụ như cuốn Kodansha’s Romanized Japanese-English Dictionary 666 trang xuất bản tại Tokyo năm 1993 mà tôi sử dụng) là có thể thưởng thức thơ haiku. Chính cuốn tự điển này đã giúp tôi "hiểu" ý nghĩa bài thơ của Basho viết về tiếng ve kêu (được trích dẫn đầu tiên dưới đây) trong đó có các danh từ shizukesa (sự thanh tịnh), iwa (tảng đá lớn), semi (ve sầu), koe (giọng), và động từ shimiru (thấm vào). Kiến thức cú pháp căn bản cho tôi biết rằng giới từ ni (trong) phải đứng sau danh từ trong một đoản ngữ với giới từ đóng vai chủ động (prepositional phrase) – ngược hẳn với thói quen trong tiếng Anh và tiếng Việt. Vì vậy đoản ngữ "trong tảng đá lớn" khi dịch sang tiếng Nhật sẽ thành "tảng đá lớn trong" (iwa ni). Xin nói thêm, giới từ no (của) trong tiếng Nhật được dùng như chữ "chi" trong tiếng Tàu hoặc "sở hữu cách -'s" trong tiếng Anh – semi no koe do đó phải hiểu là "thiền chi thanh" hoặc "the cicada's voice."

Xin bắt đầu bằng mùa hạ, khi mà Basho chỉ nghe thấy tiếng ve sầu vang vọng vào kẽ đá. Thi nhân ghi lại cảm giác rất nhiều thiền tính ấy như sau :


shizukesa ya
iwa ni shimi-iru
semi no koe


thanh tịnh và
thấm vào non núi
tiếng ve ca

Khi vui hưởng đời, mấy ai thấy chết chóc đang chờ. Những con ve sầu của Basho cũng thế – chúng có biết đâu là cuộc sống của chúng sắp tàn:


yagate shinu
keshiki wa mieru
semi no koe


ve sầu ca hát
chẳng mảy may hay biết
chết đã gần kề

Nhân sinh vô thường, có khác chi đám mây trôi luôn thay hình đổi dạng, qua thi bút huyền diệu Issa:

oni to nari
hotoke to naru ya
doyoo-gumo


đám mây trong ngày khổ ải
từ hình quỷ
chuyển sang hình phật

Cỏ mùa hạ tốt tươi thật đấy, nhưng Basho cũng thấy dưới lớp cỏ ấy là mồ chôn những ước mơ hiển hách của biết bao đấng trượng phu:


natsu - kusa ya
tsuwa-mono-domo ga
yume no ato


cỏ mùa hạ
đang chôn vùi
bao giấc mơ chiến thắng cố chinh nhân

Chỉ nhìn những trái ớt chín mọng trên cây, nhà thơ kiêm danh họa Buson đã thấy cả một mùa thu đang làm lộng lẫy thiên nhiên:


utsukushi ya
no-waki no ato no
toogarishi


đẹp biết bao
những trái ớt đỏ tươi
sau trận thu phong

Người thường khi nghe tiếng dế rên rỉ đêm thu thì có lẽ chỉ buồn thôi, nhưng thi sĩ Issa đa cảm đã vội nghĩ ngay đến ngày mình xuống mộ. Hãy nghe nhà thơ cô đơn đó căn dặn người bạn nhỏ nhoi đôi lời:

ware shinaba
haka-mori to nare
kirigirisu


này chú dế
hãy làm người gác mộ
sau khi ta lìa đời

Bóng đêm dầy đặc, vài tia chớp, tiếng kêu xào xạc một con chim đi tìm mồi là mấy chấm phá kiệt xuất vẽ lên một đêm thu cô quạnh đến rùng mình qua thần bút Basho:


inazuma ya
yami no kata yuku
goi no koe


vài tia chớp lập lòe
tiếng kêu con vạc ăn đêm
bay vào cõi tối

Và mùa đông đã tới, với băng giá ngoài trời và băng giá trong lòng thi nhân. Lúc ấy Buson ước ao đi ở ẩn trong núi:

fuyu-gomori
kokoro no oku no
yoshino yama

mùa đông ẩn dật
ngọn núi yoshino
chiếm trọn tâm tư

Basho ít khi dừng bước giang hồ. Tuy vậy, ông ngao ngán trạng huống ốm đau khi chu du mùa đông qua những vùng hẻo lánh:

tabi ni yande
yume wa kare-no o
kake-meguru


lữ hành trong bệnh hoạn
chờn vờn bóng ma
trên cánh đồng hoang

Và rồi, sau chuỗi ngày mùa đông giá lạnh, mùa xuân đã trở lại. Vì thiếu tình mẫu tử từ tấm bé, Issa rất trìu mến những sinh vật nho nhỏ của mùa xuân. Có lẽ khi vỗ về tinh thần chú ếch mảnh mai, thi nhân cũng tự an ủi chính mình:

yase-gaeru
makeru na issa
kore ni ari


chú ếch èo uột
đừng bỏ cuộc nhé
issa đang an ủi chú đây

Mưa xuân khiến hoa cỏ tốt tươi, nhưng phũ phàng thay, dưới làn mưa ấy cũng có một lá thư bị ai đó quăng đi để gió thổi vô rừng, như Issa chứng kiến:


haru-same ya
yabu ni fukaruru
sute tegami


mưa xuân
lá thư vứt bỏ
gió cuốn vô rừng

Xuân là mùa của hạnh phúc, của tái sinh, nhưng Buson thấy xuân cũng là mùa để tàn sát sinh linh:

hi kururu ni
kiji utsu
haru no yama-be kana


hoàng hôn
tiếng bắn chim trĩ vang dội
triền núi mùa xuân

Trong ánh xuân rực rỡ, Basho ước ao được tự do, không vướng lụy hồng trần, như con sơn ca đang líu lo giữa thảm cỏ xanh:

hara-naka ya
mono nimo tsukazu
naku hibari


giữa bãi cỏ
sơn ca líu lo
tự do, chẳng ưu phiền

http://www.viethoc.com/Ti-Liu/bien-khao/phiem-luan/dhocthohaikunhatbanqualoivietromaji

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

nghe nhạc trực tuyếnNấu món chay | học nấu ăn DJ - Ảnh đẹp | xalotinnhanh